Trái phiếu Chính phủ là gì? Lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu chính phủ

Trái phiếu Chính phủ là gì? Lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu chính phủ

Trái phiếu chính phủ là gì? Có mấy loại trái phiếu chính phủ và đặc điểm như thế nào? Lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu chính phủ ra sao? Tất cả những vấn đề này Centalaw sẽ giải đáp một cách chi tiết và dễ hiểu nhất trong bài viết dưới đây.

Mục lục

Trái phiếu chính phủ là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu như sau: Trái phiếu Chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.

Trái phiếu chính phủ là gì?
Trái phiếu chính phủ là gì? Lợi ích và rủi ro khi đầu tư

Các loại trái phiếu chính phủ

Hiện nay, có 03 loại trái phiếu được quy định ở Điều 10 Nghị định 01/2011/NĐ-CP.

Tín phiếu kho bạc

Tín phiếu kho bạc là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần và đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam. Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc do Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần.

Trái phiếu kho bạc

Trái phiếu kho bạc là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ một (01) năm trở lên và đồng tiền phát hành là đồng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Công trái xây dựng tổ quốc

Công trái xây dựng Tổ quốc là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ một (01) năm trở lên, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam và được phát hành nhằm huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước

Đặc điểm của trái phiếu Chính phủ

Chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 01/2011/NĐ-CP, chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ là Bộ Tài chính. Ngoài ra tại khoản 2 điều này còn có chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 32 Luật Quản lý nợ công.

Đối tượng được mua trái phiếu Chính phủ

Căn cứ Điều 7 Nghị định 01/2011/NĐ-CP, đối tượng được mua trái phiếu:

  • Đối tượng mua trái phiếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
  • Tổ chức của Việt Nam không được sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để mua trái phiếu.

Các điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ

Tại Điều 6 Nghị định 01/2011/NĐ-CP quy định chi tiết về các điều kiện và điều khoản như:

Kỳ hạn trái phiếu

  • Kỳ hạn trái phiếu Ngoại trừ tín phiếu kho bạc do Bộ Tài chính phát hành, các loại trái phiếu Chính phủ khác, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương có kỳ hạn từ một (01) năm trở lên. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về kỳ hạn trái phiếu, đảm bảo tính đa dạng và tiêu chuẩn hóa các kỳ hạn trái phiếu nhằm mục đích phát triển thị trường trái phiếu.

Khối lượng phát hành trái phiếu

  • Khối lượng trái phiếu phát hành từng đợt do chủ thể phát hành quyết định, căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn được cấp có thẩm quyền quyết định và điều kiện, khả năng huy động vốn trên thị trường.

Mệnh giá trái phiếu

  • Mệnh giá trái phiếu do chủ thể phát hành quyết định. Trường hợp trái phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, mệnh giá trái phiếu được quy định phù hợp với quy định về niêm yết và giao dịch chứng khoán.

Đồng tiền phát hành, thanh toán trái phiếu

  • Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành trong nước bằng đồng Việt Nam. Trường hợp trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thực hiện theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  • Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành ra thị trường quốc tế bằng ngoại tệ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định này.
  • Đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng loại với đồng tiền khi phát hành.
  • Việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền phát hành, thanh toán trái phiếu phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Hình thức trái phiếu

  • Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
  • Chủ thể phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành.

Lãi suất trái phiếu

  • Lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành trong nước do chủ thể phát hành quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.
  • Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi và lãi suất chiết khấu theo phương án phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mua lại trái phiếu trước hạn

  • Chủ thể phát hành có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu lại nợ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật về quản lý nợ công.
  • Việc mua lại trái phiếu trước hạn phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và hiệu quả.

Hoán đổi trái phiếu

  • Trái phiếu Chính phủ đã phát hành có thể được hoán đổi để cơ cấu lại nợ theo chương trình, kế hoạch cơ cấu lại nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật về quản lý nợ công.
  • Việc hoán đổi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
  • Việc hoán đổi trái phiếu phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và hiệu quả.

Lợi ích khi đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2011/NĐ-CP quy định các lợi ích đối với chủ sở hữu như:

– Chủ sở hữu trái phiếu được đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn khi gốc, lãi trái phiếu đến hạn thanh toán.

– Chủ sở hữu trái phiếu được sử dụng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu và cầm cố trong các quan hệ tín dụng và quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

>> Xem thêm: Hối phiếu là gì? Đặc điểm và phân loại hối phiếu (Bill of Exchange).

Ưu và nhược điểm của trái phiếu Chính phủ

Ưu điểm

  • Mức độ tin cậy: Trái phiếu Chính phủ được phát hành bởi các chủ thể đáng tin cậy, các nhà đầu tư không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về các chủ thể phát hành.
  • Thông tin dễ dàng nắm bắt: Cổng thông tin điện tử của sở giao dịch chứng khoán sẽ cập nhật liên tục các thông tin về trái phiếu, được niêm yết công khai.
  • Chọn lọc nhà đầu tư – nhà tạo lập thị trường: Trái phiếu được phát hành thông qua các phương thức được quy định tại Điều 11 Nghị định 01/2011/NĐ-CP. Các nhà đầu tư phải thông qua các hình thức phát hành trên, đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch.

Nhược điểm

  • Lãi suất: Lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ thấp hơn các trái phiếu doanh nghiệp.
  • Quy trình đầu tư: Phức tạp, thông qua đầy đủ các thủ tục theo quy định của nhà nước.

Lời kết

Hy vọng qua bài viết này của Centalaw, cả nhà đã hiểu rõ hơn trái phiếu chính phủ là gì và những lợi ích và rủi do khi đầu tư loại hình trái phiếu này. Mọi thắc mắc, cả nhà có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn cụ thể hơn.

Trân trọng!

2/5 (1 Review)