11 Thông tin cần biết về luật nghĩa vụ quân sự mới nhất 2021

11 Thông tin cần biết về luật nghĩa vụ quân sự mới nhất 2021

Nghĩa vụ quân sự là một nghĩa vụ quan trọng và cao cả của mỗi công dân phục vụ trong quân đội, thể hiện tinh thần yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Kỳ tuyển quân năm nay cũng sắp tới, sau đây là 11 thông tin quan trọng cần biết về luật nghĩa vụ quân sự mới nhất 2021 mà Centalaw muốn chia sẻ tới bạn đọc.

Mục lục

Độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự

Căn cứ Điều 30 luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

Luật nghĩa vụ quân sự mới nhất 2021
Luật nghĩa vụ quân sự mới nhất 2021

Tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự

Căn cứ Điều 31 luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:

– Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

  • Lý lịch rõ ràng.
  • Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
  • Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.
  • Có trình độ văn hoá phù hợp.

– Tiêu chuẩn công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Điều 7 của Luật Công an nhân dân.

Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu

Căn cứ Điều 16 luật nghĩa vụ quân sự quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu:

Căn cứ Điều 3, 4 Nghị định 13/2016/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục đăng kí nghĩa vụ quân sự.

– Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương ký lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, giấy chứng nhận đăng kí nghĩa vụ quân sự và giao cho Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức thực hiện.

– Chuẩn bị hồ sơ: Phiếu tự khai sức khoẻ nghĩa vụ quân sự; bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu).

Trình tự thời hạn đăng ký:

– Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân.

– Sau khi nhận được Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân thuộc đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự.

– Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi đăng ký.

– Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý hồ sơ công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự

Căn cứ Điều 15 luật Nghĩa vụ quân sự quy định:

– Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.

– Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở; trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.

Thời gian đi nghĩ vụ quân sự là bao lâu?

Căn cứ Điều 21 luật Nghĩa vụ quân sự quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Tuy nhiên cũng có thể kéo dài thời gian phục vụ trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.

Các trường hợp được miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự

Tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Căn cứ khoản 1 Điều 41 luật nghĩa vụ quân sự mới nhất quy định các trường hợp được tạm hoãn như sau:

– Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.

– Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. Trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận.

– Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

– Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

– Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định.

– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Miễn nghĩa vụ quân sự

Căn cứ khoản 2 Điều 41 luật Nghĩa vụ quân sự quy định các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự như sau:

– Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

– Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

– Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Mẫu đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Mẫu đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
Mẫu đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Tải miễn phí: Mẫu đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự file word.

Mẫu đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự tự nguyện

Mẫu đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự tự nguyện
Mẫu đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự tự nguyện

Tải miễn phí: Mẫu đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự tự nguyện file word.

Điều kiện để nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự

Tại khoản 2 Điều 6 luật Nghĩa vụ quân sự quy định: “Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ”.

Công dân phải đủ tiêu chuẩn về độ tuổi, tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn sức khoẻ, tiêu chuẩn văn hoá theo quy định.

Điều kiện để nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự
Điều kiện để nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự

Đi nghĩa vụ được hưởng những quyền lợi gì?

Căn cứ Điều 50 luật Nghĩa vụ quân sự quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân.

– Tại khoản 1 quy định đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:

  • Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.
  • Được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội.
  • Được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết.
  • Được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật.

– Tại khoản 3 quy định đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ:

  • Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ.
  • Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó.

Thân nhân của người đi nghĩa vụ quân sự được hưởng quyền lợi gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 50 luật Nghĩa vụ quân sự quy định đối với người thân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ:

– Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm;

– Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí.

– Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt thế nào?

Trường hợp xử phạt hành chính

Căn cứ Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

“Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng”

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Trường hợp truy cứu tránh nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 332 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự:

– Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 điều này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Căn cứ Điều 10 luật Nghĩa vụ quân sự quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:

– Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

– Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

– Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Lời kết

Hy vọng rằng bài viết này mang tới cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề liên quan tới luật nghĩa vụ quân sự. Hãy gọi ngay cho Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn chi tiết nhé.

0/5 (0 Reviews)