Thủ tục nhận cha con có yếu tố nước ngoài là gì? Đây cũng là nội dung câu hỏi của chị T.T.H.S gửi về Văn phòng luật sư Centalaw nhờ được giải đáp:
“Chào Luật sư! Tôi là hướng dẫn viên du lịch. Năm 2018, tôi có dẫn một đoàn du lịch, trong đó có anh H (người Mỹ). Sau tour du lịch ngày hôm đó tôi và anh H có quen trong thời gian anh ở Việt Nam. Kết thúc chuyến du Lịch ở Việt Nam, anh về Mỹ. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, tôi phát hiện mình có thai. Nhưng ngoài tên anh thì tôi không có bất cứ thông tin nào khác nên tôi đành làm mẹ đơn thân. Nay anh H lại đến Việt Nam chơi và có đến tìm tôi, tôi có nói với anh về chuyện ngày ấy và cho anh gặp con. Hiện anh và tôi đều muốn xác nhận cha cho con. Luật sư cho tôi hỏi tôi cần phải làm thủ tục gì và thời gian có lâu không ạ? Cảm ơn Luật sư!”
Mục lục
Thủ tục nhận cha con có yếu tố nước ngoài gồm những gì?
Cảm ơn mọi người đã luôn tin tưởng và gửi câu hỏi đến Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM. Trường hợp của chị S luật sư trả lời như sau:
Trường hợp của chị S thuộc thủ tục xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật về hộ tịch và hôn nhân gia đình.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hộ tịch năm 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của con chị S sẽ thực hiện đăng ký nhận cha con cho con chị S và anh H.
Điều 43. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
>> Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư khác của Centalaw.
Theo quy định tại Điều 44 Luật Hộ tịch năm 2014 về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
Điều 44. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
4. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.
Như vậy, theo quy định tại điều này, thời gian làm thủ tục nhận cha con khoảng 29 ngày.
Lời kết
Trên đây là bài tư vấn của Luật sư tư vấn luật về hôn nhân và gia đình trực thuộc Công ty Centa Luật (Centalaw) để giải đáp thắc mắc cho chị S.
Mọi thắc mắc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Centalaw qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn chi tiết hơn.
Trân trọng!