Khái niệm Án lệ ở Việt Nam là gì? Nguyên tắc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án như thế nào? Quy trình hình thành và bãi bỏ án lệ ra sao? Hãy cùng Centalaw đi tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Án lệ là gì?
Án lệ trong tiếng Anh là Precident có nghĩa là tiền lệ, tức là dựa vào cái có trước để làm theo thành lệ. Án lệ là một loại tiền lệ bởi án lệ là các giải pháp pháp lý trong bản án của tòa án trước tạo ra được áp dụng để giải quyết cho các vụ việc tương tự về sau. Khái niệm “Án lệ” được sử dụng phổ biến trên thế giới nhưng ở các quốc gia có truyền thống pháp luật khác nhau thì khái niệm này có cách hiểu khác nhau. Vậy tại Án lệ tại Việt Nam được hiểu như thế nào?
Căn cứ Điều 1 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định về án lệ như sau:
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Hiện nay, việc xử dụng án lệ trong xét xử khá phổ biến và không còn xa lạ.
Quy định mới nhất về áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử
Thời gian được phép áp dụng án lệ trong xét xử
Căn cứ khoản 1 Điều 8 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP. Thời gian án lệ áp dụng trong xét xử là sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Nguyên tắc áp dụng án lệ
Căn cứ khoản 2,3 Điều 8 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
– Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
– Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.
Cơ sở pháp lý về áp dụng án lệ
Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Quy trình hình thành án lệ
Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ
Căn cứ Điều 3 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
– Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ
Căn cứ Điều 4 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
– Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến, trừ trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này.
– Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải.
– Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết này.
Thành lập hội đồng tư vấn án lệ
Căn cứ khoản 1 Điều 5 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
– Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng).
Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn
Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Thông qua án lệ
Căn cứ Điều 6 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ. Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết này.
– Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
– Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất.
– Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.
Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.
Công bố án lệ
Căn cứ Điều 7 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Nội dung công bố bao gồm:
– Số, tên án lệ.
– Số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ.
– Tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ.
– Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ.
– Từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ.
– Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ.
– Nội dung của án lệ.
– Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.
> Xem thêm: Án treo là gì? Phân biệt án treo và cải tạo không giam giữ.
Bãi bỏ án lệ theo quy định của pháp luật hiện nay
Căn cứ Điều 10 nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
Kiến nghị bãi bỏ án lệ
Cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ khi phát hiện án lệ thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này.
Xem xét việc bãi bỏ án lệ
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ.
Thông qua việc bãi bỏ án lệ
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc bãi bỏ án lệ.
Thông báo việc bãi bỏ án lệ
Thông báo bãi bỏ án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Lời kết
Hy vọng qua bài viết cả nhà đã hiểu được phần nào về khái niệm án lệ ở việt nam và nguyên tắc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến Án lệ. Quý khách đừng ngần ngại gọi ngay cho Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn chi tiết hơn.