Hiến pháp là gì? Lịch sử hình thành và sự pháp triển Hiến pháp nước Cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam qua các thời kỳ như thế nào? Đặc trưng cơ bản và vai trò của hiến pháp ra sao? Hôm nay, Centalaw sẽ chia sẻ chi tiết các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Khái niệm Hiến pháp
Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật đứng đầu trong hệ thống văn bản pháp luật. Tại Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định: Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
Lịch sử hình thành và sự phát triển Hiến pháp Việt Nam
Tính đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, chi tiết qua các thời kỳ như sau:
Hiến pháp năm 1946
Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 09/11/1946. Hiến pháp này ngắn gọn, xúc tích gồm 07 chương và 70 Điều, biểu hiện đầy đủ các yếu tố của một nhà nước Pháp quyền.
Hiến pháp năm 1959
Hiến pháp năm 1959 được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 31/12/1959. Hiến pháp này gồm 10 chương và 112 Điều, tổ chức theo chính thể nhà nước dân chủ Cộng hoà.
Hiến pháp năm 1980
Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/12/1980. Hiến pháp này gồm 12 chương và 147 Điều, xác định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản.
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001)
Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua ngày 15/4/1992; Ngày 25/12/2001 Quốc hội khoá X đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp này gồm 12 chương và 147 Điều, là Hiến pháp đầu tiên khẳng định nước ta là nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.
Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013. Hiến pháp 2013 là hiến pháp đang có hiệu lực hiện nay, gồm 11 chương và 120 Điều. Hiến pháp năm 2013 được đánh giá là bước tiến mới trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là bản Hiến pháp của toàn Đảng, toàn dân với tinh thần đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Các đặc trưng cơ bản của Hiến pháp
Là luật cơ bản (Basic Law)
Hiến pháp được xem là luật gốc, luật căn bản của một nhà nước. Hiến pháp được xây dựng để làm nền tảng, cơ sở cho các luật khác, tất cả những ngành luật khác đều phát triển dựa trên Hiến pháp một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Là luật tổ chức (Organic Law)
Hiến pháp quy định một hệ thống chế độ xã hội của nhà nước, quy định nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, làm cơ sở trong việc tổ chức quyền lực của nhà nước.
Là luật bảo vệ (Protective Law)
Hiến pháp là luật cơ bản của một nhà nước. Do đó, việc bảo về các quyền con người và quyền công dân luôn được đề cao, là cơ sở quan trọng để nhà nước tôn trọng và đảm bảo thực hiện các quyền này.
Vai trò của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Nội dung Hiến pháp nước Cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013 đã thể hiện rõ được vai trò của Hiến pháp, đóng vai trò quan trong trong đời sống xã hội và nhà nước. Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Hiến pháp còn là cơ sở pháp lý của hệ thống chính trị, quy định cơ cấu tổ chức của nhà nước, bộ máy nhà nước. Xác định các mối quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và với nhân dân.
Lời kết
Hy vọng qua bài viết này sẽ cung cấp cho cả nhà một cái nhìn tổng quát hơn về Hiến pháp là gì, những đặc trưng cơ bản và vai trò của Hiến pháp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới Hiến pháp. Quý khách đừng ngần ngại gọi ngay cho Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn chi tiết hơn.