Bộ luật Hồng Đức ra đời khi nào? Nội dung và giá trị của bộ Quốc triều hình luật

Bộ luật Hồng Đức ra đời khi nào? Nội dung và giá trị của bộ Quốc triều hình luật

Bộ luật Hồng Đức là bộ luật ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), nên gọi là Bộ luật Hồng Đức và còn có tên gọi khác là Quốc triều hình luật hay Lê triều hình luật. Bộ luật Hồng Đức được chia thành 06 quyển, gồm 13 chương và 722 điều luật. Bộ luật này mang nhiều tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại, đặc biệt là tính nhân đạo. Centalaw sẽ giới thiệu chi tiết Bộ luật Hồng Đức là gì, nội dung và giá trị của bộ luật này mang lại như thế nào? Mời độc giả cùng xem bài viết dưới đây.

Mục lục

Bộ luật Hồng Đức là gì, ra đời năm nào?

Bộ luật Hồng Đức còn được gọi là Quốc triều hình luật hay Lê triều hình luật, ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông – niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Có thể coi là một bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau, trong đó có: Luật hình sự, luật dân sự, luật Hôn nhân gia đình, luật tố tụng,….

Bộ luật Hồng Đức
Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật hay Lê triều hình luật)

Bộ luật Hồng Đức có tất cả bao nhiêu quyển? Phân chia như thế nào?

Bộ luật Hồng Đức được chia thành 06 quyển, gồm 13 chương và 722 điều luật. Được phân chia như sau:

– Chương Danh lệ: Quy định những vấn đề cơ bản có tính chất chi phối nội dung khác, chương có 49 điều.

– Chương cấm vệ: có 47 điều, quy định về bảo vệ cung cấm, kinh thành và các tội về cấm vệ.

– Chương vi chế: có 144 điều, quy định các hình phạt khi quan lại có hành vi sai trái, các tội về chức vụ.

– Chương quân chính: 43 điều, quy định về sự trừng phạt dành cho các tướng, sĩ khi có hành vi sai trái, các tội quân sự.

– Chương Hộ hôn: 58 điều, quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân gia đình và các tội phạm các lĩnh vực này.

– Chương Điền sản: 59 điều, quy định về ruộng đất, thừa kế, hương hoả và các tội phạm liên quan.

– Chương Thông gian: có 10 điều, quy định về tội phạm tình dục.

– Chương đạo tặc: 54 điều, quy định về tội trộm cướp, giết người và một số tội chính trị.

– Chương đấu tụng: 50 điều, quy định gồm các tội đánh nhau, tội vu cáo, lăng mạ,…

– Chương trá nguỵ: 38 điều, quy định tội giả mạo, lừa dối.

– Chương tạp luật: 92 điều, quy định các tội không thuộc những chương trên.

– Chương Bộ vong: 13 điều, quy định về bắt tội phạm chạy trốn và các tội liên quan.

– Chương Đoán ngục: 65 điều, quy định về xử án, giam giữ can phạm và các tội phạm trong lĩnh vực này.

Bộ luật Hồng Đức mang nhiều tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại

Các quy định về luật Dân sự trong Bộ luật Hồng Đức

Các quan hệ được đề cập nhiều nhất là quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng và thừa kế.

– Quan hệ sở hữu: sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Quyền sở hữu của nhà nước về ruộng đất chỉ được thể hiện thành các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm chế độ sử dụng ruộng đất công. Quyền sở hữu tư nhân được quy định rõ ràng.

– Quan hệ hợp đồng: Bộ luật điều chỉnh 03 loại hợp đồng về ruộng đất gồm: Mua bán, cầm cố, thuê mướn ruộng đất. Các hợp đồng phải lập thành văn tự có 02 bên tham gia hợp đồng và sự chứng thực của người có thẩm quyền.

– Về thừa kế: Các quan điểm thừa kế khá phù hợp với hiện đại như: Thời điểm phát sinh quyền thừa kế, quan hệ thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế không theo di chúc người con gái và người con trai có quyền thừa kế ngang bằng nhau, phân định nguồn gốc tài sản chung riêng của vợ chồng.

Các quy định về luật Hình sự trong Bộ luật Hồng Đức

– Hình luật trong bộ luật Hồng Đức là nội dung quan trọng, có tính chất chủ đạo, có các nguyên tắc chủ yếu như: Vô luật bất thành hình, chiếu cố, chuộc tội bằng tiền, trách nhiệm hình sự, miễn giảm trách nhiệm hình sự, thưởng người tố giác tội phạm và phạt người che giấu tội phạm.

– Tội phạm được phân loại theo hình phạt, theo sự vô ý hay cố ý, theo mục đích và hành vi phạm tội, đồng phạm.

– Các nhóm tội cũng được phân chia thành: Thập ác và các nhóm tội phạm khác. Trong đó nhóm Thập ác gồm các tội liên quan đến vương quyền, liên quan đến hôn nhân gia đình và các tội về tiêu chí đạo đức.

Tính nhân đạo của Bộ luật Hồng Đức

– Đối với người phạm tội: Có những quy định riêng đối với người phạm tội trên 70 tuổi và dưới 15 tuổi, trong một số trường hợp không được xử tội hay không được tra khảo. Nghiêm cấm việc đối xử bạo lực với tù nhân trong một số trường hợp quy định.

– Đối với người gặp khó khăn đặc biệt: Đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, không có nơi nương tựa thì quan chức địa phương phải giúp đỡ họ như: Dựng lều cho ở, chăm sóc che chở, chôn cất họ…

– Đối với phụ nữ và trẻ em: Quyền lợi của phụ nữ trong bộ luật này được quy định công bằng với đàn ông, bảo vệ quyền lợi của họ trong việc hương hoả, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản. Khi kết hôn, địa vị của người phụ nữ độc lập với chồng. Bộ luật quy định xử phạt rất nặng đối với trường hợp xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người phụ nữ. Bên cạnh phụ nữ, luật Hồng Đức cũng quan tâm đến bảo về quyền lợi đối với trẻ em, không được mua trẻ em mồ côi và phụ nữ tự bán mình không có người bảo lãnh.

– Đối với một số đối tượng khác như: người thiểu số, nô tỳ, người làm thuê, ở đợ, người mất khả năng nhận thức,… Khi nô tỳ làm sai, chủ không được tự ý đánh chết nô tỳ mà phải báo quan, không được tự ý xâm chữ lên mặt nô tỳ. Việc xử lý người dân tộc phạm tội cũng có những cân nhắc nhẹ nhàng, áp dụng tục lệ của họ.

Giá trị tham khảo của Bộ luật Hồng Đức đối với việc hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015 nước ta hiện nay

Bộ luật Hồng Đức có những tiến bộ khá căn bản trong việc cải thiện hệ thống pháp luật thời phong kiến. Trong quá trình tiến bộ, cải tiến và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung hay Bộ luật hình sự nói riêng thì cần tiếp thu, vận dụng, kế thừa những tư tưởng tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức. Giữ vững và phát huy các truyền thống thượng tôn pháp luật, lấy dân làm gốc. Kết hợp tư tưởng phương Đông pháp luật có sự khoan dung và tư tưởng phương Tây với những tư tưởng pháp quyền hiện đại để định hướng cho hiện tại.

3.7/5 (3 Reviews)