Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần phải báo trước cho bên còn lại biết trước một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Đây cũng là thắc mắc của chị T.A ở Nam Định gửi đến Văn phòng luật sư Centalaw.
Nội dung câu hỏi như sau:
“Chào luật sư! Tôi làm việc ở công ty A và kí hợp đồng có thời hạn là 1 năm nhưng do gia đình có mẹ già bị ốm nặng phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc nên không thể tiếp tục công việc, tôi đã nghỉ việc sau 3 ngày thông báo với công ty. Sau đó công ty bắt tôi phải bồi thường cho công ty 1 tháng tiền lương (1 tháng là 6 triệu). Tôi thấy nó quá nhiều, Luật sư cho tôi hỏi việc công ty bắt tôi phải bồi thường như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?”
Trả lời:
Chào chị T.A ở Nam Định, luật sư tư vấn lĩnh vực lao động trả lời câu hỏi của chị như sau:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định về lý do đơn phương chấm dứt hợp dồng lao động của người lao động:
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
…
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động…
Điểm d Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;
b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;
c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở…”)
Căn cứ vào khoản 2 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp dồng lao động của người lao động:
2. Người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
…b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này…”
Theo đó người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật phải đảm bảo cả về thời hạn báo trước và lý do. Trong trường hợp này, với hợp đồng xác định thời hạn chị phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 30 ngày đối với lý do là gia đình gặp khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng (mẹ già ốm phải ở nhà để chăm sóc). Chị chỉ báo trước cho công ty 3 ngày nên chị đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật theo quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động 2012 (vi phạm về thời hạn báo trước).
>> Tham khảo: Dịch vụ luật sư doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 43 của Bộ luật lao động 2012 quy định nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động
Theo đó chị sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc, đồng thời phải bồi thường cho công ty A nửa tháng tiền lương và 1 khoản tiền tương ứng với tiền lương của chị trong những ngày không báo trước . Trong trường hợp chị được công ty cử đi đào tạo thì phải bồi thường chi phí đào tạo.
Vậy việc công ty yêu cầu chị bồi thường một tháng tiền lương là đúng theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!